Rối loạn ám ảnh cưỡng chế

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (tiếng Anh: Obsessive-Compulsive Disorder - OCD) là một rối loạn tâm lý có tính chất mãn tính, dấu hiệu phổ biến của bệnh đó là ý nghĩ ám ảnh, lo lắng không có lý do chính đáng và phải thực hiện các hành vi có tính chất ép buộc để giảm bớt căng thẳng[1], đây là một dạng trong nhóm bệnh liên quan trực tiếp đến Stress[2]. Bệnh còn có tên khác là rối loạn ám ảnh cưỡng bức.Người bị ảnh hưởng của bệnh có những ý nghĩ và hành vi lặp lại một cách vô nghĩa mà không kiểm soát được chẳng hạn rửa tay hàng chục lần mặc dù tay đã sạch hay dành quá nhiều thời gian để sắp xếp đồ vật trong nhà quá mức gọn gàng cần thiết. Nhưng không phải mọi hành vi có tính chất ám ảnh cưỡng chế đều bị coi là dấu hiệu của bệnh, chẳng hạn phải nghe kể chuyện mới đi ngủ được (ở trẻ nhỏ) hoặc các nghi lễ tôn giáo đều là các hành vi lặp đi lặp lại nhưng chúng có ích và không quá gây phiền toái. Ngoài ra nỗi lo lắng vừa phải trong một khoảng thời gian nào đó khi cuộc sống gặp cản trở cũng được xem là các cảm xúc bình thường như trong mùa dịch bệnh lo lắng về sự sạch sẽ giúp ích hơn là thái độ bàng quan. Nhưng sẽ là bệnh thật sự nếu nó quá mức độ cần thiết và gây đau khổ. Mức độ của bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, nhưng nếu bị nặng mà không được điều trị sẽ làm thoái hóa khả năng làm việc, học tập thậm chí làm người bệnh không thoải mái trong chính căn nhà của mình, họ có thể mất vài giờ một ngày chỉ để thực hiện các hành vi cưỡng chế.Mặc dù các triệu chứng điển hình của OCD thường bắt đầu ở lứa tuổi thanh niên hoặc đầu trưởng thành, tuy nhiên cũng có tới một phần ba khởi phát khi còn nhỏ tuổi thậm chí có những đứa trẻ mắc bệnh trước tuổi đi học (người ta đã ghi nhận một số trường hợp OCD trước 2 tuổi). Ảnh hưởng của bệnh lên đứa trẻ ở giai đoạn đầu của cuộc đời gây những hậu quả nghiêm trọng cho chúng. Điều quan trọng là đứa trẻ cần được phát hiện và chữa trị sớm nhằm hạn chế tối đa những tác động xấu lên sự phát triển. Rối loạn ám ảnh cưỡng chế là một rối loạn của não bộ có nguyên nhân từ sự bất thường trong xử lý thông tin do vậy căn bệnh không phải là lỗi của người mắc hoặc biểu hiện của nhân cách không ổn định, yếu đuối.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Rối loạn ám ảnh cưỡng chế http://www.emedicine.com/med/topic1654.htm http://www.icd9data.com/getICD9Code.ashx?icd9=300.... http://emedicine.medscape.com/article/287681-overv... http://www.nytimes.com/2007/12/04/health/04mind.ht... http://www.psychologytoday.com/conditions/ocd.html http://www.nimh.nih.gov/health/publications/anxiet... http://www.nimh.nih.gov/health/topics/obsessive-co... //www.nlm.nih.gov/cgi/mesh/2020/MB_cgi?field=uid&t... http://apps.who.int/classifications/icd10/browse/2... http://familydoctor.org/online/famdocen/home/commo...